Đối tượng được ủy quyền Quyết toán thuế TNCN 2018
Theo khoản 3 điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015, theo Công văn 801/TCT-TNCN ngày 2/3/2016 của Tổng cục thuế, theo Công văn 5286/CT-TNCN ngày 16/23/2017, Công văn 5749/CT-TNCN ngày 5/2/2018 và Công văn 7040/CT-TNCN ngày 22/2/2019 của Cục thuế TP Hà Nội quy định cụ thể như sau:
-----------------------------------------------------------------------------
1. Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công được ủy quyền cho Doanh nghiệp quyết toán thuế TNCN thay trong các trường hợp sau:
+. Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm được ủy quyền quyết toán tại Doanh nghiệp đó đối với phần thu nhập do tổ chức đó chi trả, kể cả trường hợp cá nhân đồng thời có thu nhập từ bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà đã khấu trừ thuế TNCN 10%.
Ví dụ 1:
- Nhân viên A vào làm việc tại Kế Toán Trực Tuyến từ tháng 4/2018 (ký hợp đồng lao động > 3 tháng và chỉ có thu nhập tại đây).
-> Đến thời điểm quyết toán thuế thuế TNCN năm 2018 (hạn nộp Tờ khai quyết toán là 31/3/2019) nhân viên A vẫn đang làm việc tại đây.
=> Thì được ủy quyền quyết toán thuế tại Cty (đối với phần thu nhập do Cty Kế Toán Trực Tuyến chi trả).
-------------------------------------------------------------------------------------
+. Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm tại tổ chức, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế 10% mà không có yêu cầu QTT đối với phần thu nhập này. Nếu cá nhân có yêu cầu QTT đối với thu nhập vãng lai thì cá nhân trực tiếp QTT với CQT.
Ví dụ 2:
- Năm 2018, Bà A có thu nhập từ tiền lương theo hợp đồng lao động dài hạn tại Công ty X.
- Đồng thời có thu nhập vãng lai tại các nơi khác là 90 triệu đồng đã khấu trừ thuế TNCN 10% => Như vậy, thu nhập vãng lai bình quân tháng trong năm 2018 của Bà A nhỏ hơn 10 triệu đồng (90 triệu đồng : 12 tháng = 7,5 triệu đồng/tháng).
=> Nếu Bà A thuộc diện phải quyết toán thuế và không có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai => Thì Bà A ủy quyền quyết toán thuế năm 2018 cho Công ty X (Nhưng điều kiện là Bà A vẫn đang làm việc tại Cty X)
=> Công ty X chỉ quyết toán thuế thay Bà A đối với phần thu nhập do Công ty X trả.
=> Nếu Bà A có yêu cầu Quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai trên => Thì Bà A phải trực tiếp quyết toán thuế với Cơ quan thuế
(Bà A có thể yêu cầu Công ty X và Cty trả thu nhập vãng lai kia => Cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN cho bà, để bà tự đi Quyết toán)
-------------------------------------------------------------------------------------
- Trường hợp TCTTN thực hiện việc tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi) và người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới (tổ chức được hình thành sau khi tổ chức lại doanh nghiệp), nếu trong năm người lao động không có thêm thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi nào khác thì được ủy quyền QTT cho tổ chức mới QTT thay đối với cả phần thu nhập tổ chức cũ chi trả (tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế TNCN do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động).
- Trường hợp điều chuyển người lao động giữa các tổ chức trong cùng một hệ thống như: Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ - con, Trụ sở chính và chi nhánh thì cũng được áp dụng nguyên tắc ủy quyền QTT như đối với trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp.
--------------------------------------------------------------------------
Lưu ý:
- Tổ chức trả thu nhập chỉ thực hiện nhận ủy quyền quyết toán thay cho cá nhân đối với phần thu nhập từ tiền lương, tiền công mà cá nhân nhận được từ tổ chức trả thu nhập trừ trường hợp các doanh nghiệp trong năm có chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi và trường hợp người lao động điều chuyển giữa các tổ chức trong cùng một hệ thống như: Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ - con, Trụ sở chính và chi nhánh.
- Cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động theo hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 14 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
- Cá nhân ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thay theo mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC, kèm theo bản chụp hóa đơn, chứng từ chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học (nếu có).
- Trường hợp tổ chức trả thu nhập có số lượng lớn người lao động ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức trả thu nhập có thể lập danh sách các cá nhân ủy quyền trong đó phản ánh đầy đủ các nội dung tại mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN, đồng thời cam kết tính chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu, nội dung trong danh sách.
-------------------------------------------------------------------------------------
2. Cá nhân không được ủy quyền quyết toán cho tổ chức trả thu nhập:
- Cá nhân đảm bảo điều kiện được ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thuế theo hướng dẫn tại điểm 1 nêu trên nhưng đã được tổ chức trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN thì không ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức trả thu nhập (trừ trường hợp tổ chức trả thu nhập đã thu hồi và hủy chứng từ khấu trừ thuế đã cấp cho cá nhân).
Ví dụ 3:
- Nhân viên C làm việc tại Cty Kế Toán Trực Tuyến (đảm bảo điều kiện được ủy quyền như trên phần 1) -> Nhưng lại được Cty cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN.
=> Thì không được ủy quyền quyết toán thuế cho Cty nữa
=> Nếu Cty đã thu hồi và hủy chứng từ khấu trừ thuế TNCN thì được ủy quyền.
--------------------------------------------------------------------------
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị nhưng vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế không làm việc tại tổ chức đó.
Ví dụ 4:
- Nhân viên D vào làm việc tại Kế Toán Trực Tuyến từ tháng 4/2018 (ký hợp đồng lao động > 3 tháng và chỉ có thu nhập tại đây).
-> Đến thời điểm Cty nộp Tờ khai quyết toán thuế thuế TNCN năm 2018 (hạn nộp Tờ khai quyết toán là 31/3/2019) nhân viên A KHÔNG còn làm việc tại đây.
=> Thì KHÔNG được ủy quyền quyết toán thuế tại Cty Kế Toán Trực Tuyến.
------------------------------------------------------------------------------------------------
Có thu nhập vãng lai mà chưa khấu trừ thuế TNCN thì không được ủy quyền:
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế hoặc khấu trừ thuế chưa đủ (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ).
Ví dụ 5:
- Năm 2018, Ông B có thu nhập từ tiền lương theo hợp đồng lao động trên 03 tháng tại Công ty M.
- Tháng 3/2018 ông B có thu nhập vãng lai tại Công ty N là 20 triệu đồng đã khấu trừ thuế 10%.
- Tháng 10/2018 ông B có thu nhập vãng lai tại Công ty K là 1,5 triệu đồng chưa đến mức khấu trừ thuế.
=> Như vậy, trong năm 2018 Ông B có một khoản thu nhập chưa khấu trừ thuế.
=> Nếu Ông B thuộc diện quyết toán thuế thì Ông B không ủy quyền quyết toán tại Công ty M, mà trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.
|
-------------------------------------------------------------------------------------------
Một số trường hợp Không được ủy quyền quyết toán thuế TNCN:
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại nhiều nơi.
- Cá nhân chỉ có thu nhập vãng lai đã khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% (kể cả trường hợp có thu nhập vãng lai duy nhất tại một nơi).
- Cá nhân chưa đăng ký mã số thuế.
- Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công đồng thời thuộc diện xét giảm thuế do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì không ủy quyền quyết toán thuế mà cá nhân tự khai quyết toán thuế kèm theo hồ sơ xét giảm thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 46 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
-----------------------------------------------------------------------------------------
3. Điều chỉnh sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế:
- Cá nhân sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế, tổ chức trả thu nhập đã thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân, nếu phát hiện cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế thì tổ chức trả thu nhập không điều chỉnh lại quyết toán thuế TNCN của tổ chức trả thu nhập.
-> Chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty … đã quyết toán thuế TNCN thay cho Ông/Bà …. (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự) … của Phụ lục Bảng kê 05-1/BK-TNCN”
=> Để cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.
------------------------------------------------------------------------------------------------
KẾT LUẬN: Nếu cá nhân ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho DN thì:
- Phải có giấy ủy quyền theo mẫu 02/UQ-QTT-TNCN (ban hành kèm Thông tư 92/2015/TT-BTC)
- Khi lập tờ khai quyết toán thuế TNCN 05/QTT-TNCN bên Pl 05-1BK-QTT-TNCN thì các bạn tích vào ô “Cá nhân ủy quyền quyết toán thuế thay”:
------------------------------------------------------------------------------------
Mẫu giấy ủy quyền Quyết toán thuế TNCN:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
GIẤY UỶ QUYỀN
QUYẾT TOÁN THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
Năm 2018
Tên tôi là: Huỳnh hiểu Minh Quốc tịch: Việt Nam.
Mã số thuế: 0123456799
Năm 2018. tôi chỉ có thu nhập chịu thuế tại một nơi là Kế Toán Trực Tuyến;
Năm ............... tôi có thu nhập chịu thuế tại Công ty/đơn vị............ và có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng /tháng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ tại nguồn.
Đề nghị Kế Toán Trực Tuyến..(Mã số thuế: 0106208569) thay mặt tôi thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2018 với cơ quan thuế.
Trường hợp cơ quan thuế kiểm tra phát hiện tôi có thu nhập chịu thuế ở nơi khác thì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật./.
|
Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2019 |
|
NGƯỜI UỶ QUYỀN |
|
(Ký, ghi rõ họ tên) |
|
|
------------------------------------------------------------------------------------
- Trường hợp DN có nhiều người lao động ủy quyền quyết toán thuế -> Thì có thể lập danh sách các cá nhân ủy quyền quyết toán thuế TNCN.
Tải mẫu ủy quyền quyết toán thuế và Mẫu danh sách ủy quyền quyết toán thuế cho nhiều người lao động về tại đây:
►►►: Mẫu ủy quyền quyết toán thuế TNCN 02/UQ-QTT-TNCN
---------------------------------------------------------------------------------------------------
Cũng theo Thông tư 92 quy định:
“a.3) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế TNCN và quyết toán thuế TNCN thay cho các cá nhân có ủy quyền không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế.
- Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế TNCN.
Có nghĩa là: Doanh nghiệp đã trả lương cho những ai thì phải quyết toán thuế TNCN cho những người đó (Dù là lao động thời vụ, dài hạn ... Dù có phải nộp thuế hay không phải nộp thuế) => Cũng đều phải quyết toán thuế phần thu nhập và DN trả.
- Nếu không trả lương cho ai => Thì không phải khai Quyết toán thuế TNCN.
Xem thêm: Cách lập tờ khai quyết toán thuế 05/QTT-TNCN
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Kế Toán Trực Tuyến xin chúc các bạn thành công!
Bài viết cùng danh mục
-
Tiền thưởng, phụ cấp có chịu thuế TNCN - Vào chi phí hợp lý
-
Tiền lương thưởng tháng 13 có tính thuế TNCN, đưa vào chi phí?
-
Cách hoàn thuế thu nhập cá nhân online mới nhất
-
Thủ tục đăng ký thuế thu nhập cá nhân năm 2016
-
Phụ cấp tiền điện thoại có tính thuế TNCN - Đóng BHXH
-
Quy định tiền phụ cấp ăn trưa, ăn ca mới nhất
-
Chứng từ khấu trừ thuế TNCN Hồ sơ mua - Báo cáo sử dụng
-
Phụ cấp xăng xe có được miễn thuế TNCN, có phải đóng BHXH không
-
Quy định về Người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh 2020
-
Mức giảm trừ gia cảnh mới nhất năm 2020